Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 6,871
Tổng số trong ngày: 245
Tổng số trong tuần: 4,314
Tổng số trong tháng: 28,083
Tổng số trong năm: 60,993
Tổng số truy cập: 1,184,307

16 điểm sửa đổi mới của luật và kỳ vọng “khắc tinh” của tham nhũng*

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Thanh tra Chính phủ là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội Khóa XIV tại kỳ họp thứ 2. Luật PCTN (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của công tác PCTN trong thời gian qua. Dự thảo Luật PCTN sửa đổi có nhiều điểm mới.

Một là, về phạm vi điều chỉnh: Dự thảo đã bổ sung thêm “người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước”. Quy định này thể hiện tinh thần mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Hai là, về các hành vi tham nhũng: Dự thảo giữ nguyên quy định về các hành vi tham nhũng như luật hiện hành, tuy nhiên có chỉnh lý, làm rõ cho đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm tham nhũng. Theo đó, hành vi tham nhũng bao gồm 7 nhóm hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự trong các điều từ 353 đến 359 và 05 hành vi theo quy định của Luật hiện hành.

Ba là, về phòng ngừa tham nhũng: Dự thảo Luật đã quy định theo hướng bao quát hơn và tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc công khai, nội dung công khai, hình thức công khai và đặc biệt xác định rõ trách nhiệm công khai thuộc về người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, chế độ họp báo, phát ngôn, quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và theo đó là trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi có yêu cầu, xử lý vi phạm trong việc thực hiện công khai, minh bạch. Đồng thời, xác định việc đánh giá, đo lường về thực trạng tham nhũng và công tác PCTN là đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh PCTN. Theo đó, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm tự đánh giá và công khai kết quả đánh giá; đồng thời xã hội, với vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng tiến hành đánh giá và công khai kết quả đánh giá về PCTN nhằm tạo ra cách nhìn toàn diện hơn về thực trạng tham nhũng và công  tác PCTN, qua đó phát huy sự tham gia của người dân trong lĩnh vực quan trọng này.

Bốn là, chế định về xây dựng chế độ liêm chính. Đây là một chế định mới được quy định trong Dự thảo trên cơ sở tập hợp và hệ thống hóa một số nhóm quy định của luật hiện hành bao gồm: Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; các quy định về tặng quà và nhận quà tặng, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh.

Bên cạnh đó, Dự thảo đã bổ sung thêm quy định mới về giáo dục liêm chính và trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục, Thanh tra Chính phủ trong việc thực hiện giáo dục liêm chính và coi đây là nền tảng quan trọng trong việc hình thành, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua đó nhằm phòng ngừa tham nhũng trong xã hội.

Năm là, về kiểm soát xung đột lợi ích: Xuất phát từ tầm quan trọng của việc kiểm soát xung đột lợi ích trong phòng ngừa tham nhũng, Dự thảo Luật đã quy định thành một chế định riêng bao gồm các điều về khái niệm; trách nhiệm thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích; trách nhiệm xử lý thông tin, báo cáo; xử lý vi phạm và việc kiểm soát xung đột lợi ích trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Sáu là, về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập: Dự thảo quy định thành một chương riêng với nhiều quy định mới, thực chất nhằm tới việc kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức vụ, quyền hạn khác, đặc biệt là trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư. Đồng thời, để việc kiểm soát tài sản thu nhập có hiệu quả, Dự thảo đã xác định rõ các nội dung của kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đặc biệt, để khắc phục tính hình thức, Dự thảo lần này đã bổ sung quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Thanh tra Chính phủ; TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước. Thanh tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, đơn vị phụ trách công tác tổ chức - cán bộ tại nơi không có cơ quan thanh tra; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy; Thanh tra tỉnh.

Bảy là, về kê khai tài sản, thu nhập: Dự thảo quy định rõ ràng hơn về nghĩa vụ kê khai. Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Tuy nhiên, đối tượng kê khai có sự điều chỉnh lớn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác được giao biên chế và sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Dự thảo cũng quy định người có nghĩa vụ kê khai bao gồm cả những người làm việc trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư.

Về hình thức và thời điểm kê khai, Dự thảo đã bỏ quy định về kê khai hàng năm và thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung. Kê khai lần đầu được thực hiện với tất cả người có nghĩa vụ kê khai ngay sau khi luật sửa đổi có hiệu lực; người được bổ nhiệm vào ngạch công chức và người dự kiến bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, được dự kiến cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mà chưa kê khai tài sản, thu nhập. Kê khai bổ sung đối với người đã kê khai lần đầu được dự kiến bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; khi có biến động về tài sản hoặc thu nhập tăng thêm có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên.

Về công khai bản kê khai, Dự thảo kế thừa các quy định của Luật hiện hành và có sửa đổi cho phù hợp, khắc phục tính hình thức. Các hình thức công khai trong Dự thảo theo nguyên tắc người dự kiến bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ thì phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại hội nghị cử tri, cuộc họp bầu, phê chuẩn hoặc lấy phiếu tín nhiệm khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật hiện đang để 2 phương án thực hiện công khai bản kê khai đối với người có nghĩa vụ kê khai nói chung. Phương án 1 quy định bản kê khai của công chức là đảng viên phải được công khai tại cuộc họp nơi người đó sinh hoạt sau khi tiến hành kê khai (thu hẹp) và phương án 2 là giữ nguyên quy định hiện hành (người có nghĩa vụ kê khai gồm cả cán bộ, công chức, viên chức phải công khai tại nơi thường xuyên làm việc).

Về quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập, Dự thảo Luật đã quy định việc quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập một cách tập trung. Theo đó cơ quan, đơn vị quản lý tập trung bản kê khai là cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền. Cơ quan, đơn vị này có địa vị pháp lý “độc lập tương đối” với cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai. Phương án này giúp cho việc theo dõi, giám sát và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hiệu quả hơn, qua đó kịp thời xác minh để phát hiện, xử lý tham nhũng. Đồng thời, Dự thảo cũng quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận bản kê khai, cung cấp thông tin bản kê khai và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bản kê khai.

Tám là về theo dõi biến động về tài sản, thu nhập: Đây là quy định mới của Dự thảo nhằm khắc phục tính hình thức trong quy định hiện hành. Dự thảo quy định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập trong việc chủ động thu thập, khai thác thông tin, dữ liệu bản kê khai tài sản, thu nhập; cập nhật thông tin, dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, dữ liệu nhằm giải trình, làm rõ về tài sản, thu nhập tăng thêm và quyết định việc xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ quy định. Dự thảo đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.

Chín là về xác minh tài sản, thu nhập: Dự thảo đã mở rộng căn cứ xác minh tài sản, thu nhập so với quy định hiện hành, bao gồm: Khi có căn cứ việc kê khai không trung thực, không giải trình hợp lý; khi có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập; quy định việc xác minh bắt buộc đối với những người dự kiến bầu, bổ nhiệm, phân công giữ chức vụ và hưởng phụ cấp trách nhiệm từ 0,9 trở lên nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính.

Ngoài ra, khi người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xét thấy cần xác minh tài sản, thu nhập của người được dự kiến bầu, bổ nhiệm, cử giữ chức vụ và được hưởng phụ cấp trách nhiệm dưới 0,9 trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Về thẩm quyền xác minh tài sản, thu nhập, Dự thảo quy định cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai theo thẩm quyền quản lý tập trung và kiểm soát tài sản, thu nhập cho phù hợp với những quy định mới về thẩm quyền quản lý bản kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập. Phương án này cũng giúp khắc phục những quy định chưa rõ ràng trong pháp luật hiện hành về thẩm quyền xác minh tài sản, thu nhập.

Mười là về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý: Đây là một nội dung mới và quan trọng của Dự thảo nhằm thể chế hóa chỉ đạo của Đảng về việc nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng (Chỉ thị 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị). Cụ thể, Dự thảo quy định, qua kết quả xác minh nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai, thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm yêu cầu cơ quan quản lý thuế xem xét, xử lý và truy thu thuế nếu người có nghĩa vụ kê khai giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc của phần tài sản, thu nhập chênh lệch; hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án cấp có thẩm quyền để phán quyết về quyền sở hữu đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch nếu không giải trình được một cách hợp lý.

Dự thảo cũng qui định cụ thể về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý.

Mười một, về phát hiện và xử lý tham nhũng thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát. Đây cũng là một nội dung mới của Dự thảo Luật nhằm khắc phục những hạn chế trong việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát trên tinh thần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát trong việc làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trước khi chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng xử lý theo trình tự tố tụng hình sự nếu xét thấy có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm; làm rõ việc thực hiện chức năng giám sát của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử; đồng thời thể chế hóa vai trò của hệ thống cơ quan kiểm tra của Đảng trong xử lý người thực hiện hành vi tham nhũng.

Trên tinh thần đó, Dự thảo Luật quy định về căn cứ tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; việc xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; xử lý tài sản có liên quan đến hành vi tham nhũng; công khai kết quả xử lý…

Về việc xử lý hành vi tham nhũng, Dự thảo đề xuất: Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định kiểm tra, thanh tra, kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng, ra kết luận và chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Mười hai, về thông tin, phản ánh, tố cáo về tham nhũng, Dự thảo đã mở rộng hơn các hình thức tiếp nhận thông tin về tham nhũng so với quy định của luật hiện hành, bao gồm: Thông tin, phản ánh, tố cáo. Đồng thời, Dự thảo quy định rõ hơn trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ánh, tố cáo về tham nhũng; quy định cụ thể hơn về việc khen thưởng người tố cáo, người có thành tích trong cung cấp thông tin, phản ánh, tố cáo về tham nhũng…

Mười ba, về cơ quan, tổ chức PCTN, Dự thảo qui định rõ về trách nhiệm của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, trong đó vai trò của Quốc hội trong PCTN được đề cao hơn so với luật hiện hành khi quy định việc thành lập Ủy ban Lâm thời để điều tra về vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được xã hội quan tâm theo quy định tại Điều 88, Điều 89 Luật Tổ chức Quốc hội và đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, đây là quy định mới được bổ sung trong Dự thảo, xuất phát từ việc các cơ quan này có vai trò rất quan trọng trong công tác PCTN. Các quy định này cũng căn cứ trên cơ sở các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Mười bốn, về trách nhiệm của người đứng đầu trong PCTN. Nhằm khắc phục những bất cập phát hiện qua thực tiễn thi hành và kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, Dự thảo quy định thành một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa và đề cao vai trò của người đứng đầu.

Cụ thể, Dự thảo cụ thể hóa những người được gọi là “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị” theo quy định của luật này để thuận lợi cho việc áp dụng và cá thể hóa trách nhiệm trong PCTN. Đồng thời, xác định rõ nội dung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để làm căn cứ xác định trách nhiệm khi người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm của mình, để xảy ra hành vi tham nhũng.

Đặc biệt, Dự thảo bổ sung quy định theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà chủ động từ chức trước khi xem xét trách nhiệm thì không bị xử lý kỷ luật. Quy định nhằm đề cao trách nhiệm chính trị của cá nhân người đứng đầu, giúp hình thành “văn hóa từ chức” khi để xảy ra vi phạm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Mười lăm, về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN: Dự thảo đã dành 1 chương để quy định về vai trò, trách nhiệm của xã hội gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, báo chí; công dân, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong PCTN.

Đặc biệt, Dự thảo đã bổ sung trách nhiệm của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức hội khác có tư cách pháp nhân, không sử dụng ngân sách Nhà nước (gọi chung là tổ chức xã hội) do Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ trong PCTN.

Mười sáu, về xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng trong doanh nghiệp: Đây là chương mới được bổ sung tại Dự thảo thể hiện sự nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong PCTN. Việc xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng đối với cả khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước. Vì vậy, Dự thảo quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp mình; xác định trách nhiệm của doanh nghiệp trong PCTN; kiểm soát tài sản, thu nhập của người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp.

Ngoài ra, về hợp tác quốc tế trong PCTN, Dự thảo Luật bổ sung thêm quy định về hợp tác thu hồi tài sản tham nhũng nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng và nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Theo thanhtra.com.vn

 

Videos Videos