User Online: 11,270
Total visited in day: 3,512
Total visited in Week: 4,413
Total visited in month: 38,736
Total visited in year: 132,638
Total visited: 1,255,952

Một số điểm mới trong Luật Thanh tra sửa đổi

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
(Thanhtravietnam.vn) - Có rất nhiều điểm mới được quy định trong Luật Thanh tra sửa đổi, song có một điểm mới rất đáng chú ý vì nó làm thay đổi căn bản về bản chất của hoạt động thanh tra, đó là: “Hoạt động thanh tra là nhằm giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các qui định của pháp luật”.

(Thanhtravietnam.vn) - Có rất nhiều điểm mới được quy định trong Luật Thanh tra sửa đổi, song có một điểm mới rất đáng chú ý vì nó làm thay đổi căn bản về bản chất của hoạt động thanh tra, đó là: “Hoạt động thanh tra là nhằm giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các qui định của pháp luật”.

       Ngày 15/11/2010, với 81,14% phiếu tán thành, Quốc hội khoá XII đã biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi), với 7 chương, 78 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Có rất nhiều điểm mới được quy định trong Luật Thanh tra sửa đổi, song có một điểm mới rất đáng chú ý vì nó làm thay đổi căn bản về bản chất của hoạt động thanh tra, đó là: “Hoạt động thanh tra là nhằm giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các qui định của pháp luật”.

      Các điểm mới nằm ở hầu hết các các chương của Luật và dễ nhận ra ngay từ chương đầu tiên. Về mục đích thanh tra, quán triệt lời dạy của Bác Hồ “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, Luật xác định: “Hoạt động thanh tra là nhằm giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật”. Tuy ngắn gọn như vậy nhưng nó không chỉ làm rõ hơn huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn xác định rõ mối quan hệ của thanh tra với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Theo đó, hoạt động thanh tra là nhằm “giúp” các cơ quan thực hiện đúng các qui định của pháp luật.

Thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

       Về mục đích hoạt động thanh tra, Điều 2, Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định: “Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

      Rõ ràng, so với quy định của Luật Thanh tra năm 2004, Luật Thanh tra sửa đổi lần này đã đạt được một bước tiến rất căn bản về nhận thức của hoạt động thanh tra. Luật Thanh tra năm 2004, tại điều 3- đề cập mục đích thanh tra- chỉ quy định: “Hoạt động thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

       Xa hơn, nhìn vào Pháp lệnh thanh tra năm 1990, tại điều 1, nhận thức chung của xã hội cũng như các nhà làm luật khi đó, cũng mới chỉ dừng lại ở việc quy định: “Thanh tra là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước; là phương thức bảo đảm pháp chế, tăng cường kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực hiện quyền dân chủ XHCN. Trong phạm vi chức năng của mình, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tự kiểm tra việc thực hiện các quyết định của mình và thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch nhà nước của các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức hữu quan và cá nhân có trách nhiệm nhằm phát huy nhân tố tích cực, phòng ngừa, xử lý các vi phạm, góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng cường pháp chế XHCN… ”

       Cụ thể, tại điều 8 của Pháp lệnh quy định về nhiệm vụ, quyền hạn chung của các tổ chức thanh tra nhà nước là: “Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch nhà nước của các cơ quan, tổ chức và cá nhân…”

       Từ thực tiễn công tác thanh tra những năm qua cho thấy, hoạt động thanh tra đang và sẽ có những bước chuyển căn bản về nhận thức cũng như trong hành động. Thanh tra từ chỗ chỉ chú trọng phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi đã từng bước chuyển sang thanh tra mang tính đồng hành, giúp đỡ và chia sẻ cùng đơn vị, đối tượng bị thanh tra khắc phục những hạn chế thiếu sót để ngày càng hoàn thiện hơn, hoạt động có hiệu quả cao hơn.

        Thanh tra không chỉ phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý tài sản, xử lý cán bộ mắc khuyết điểm mà ngày càng chú trọng hơn đến việc phát hiện những bất cập, hạn chế trong chính sách pháp luật của nhà nước, những thiếu sót trong công tác quản lý của đơn vị, đối tượng bị thanh tra để kiến nghị đề xuất các giải pháp chấn chỉnh. Đó là hiệu quả có tính lan toả và tính hệ thống mà công tác thanh tra và ngành thanh tra đã làm được trong những năm qua. Nói khác đi, đó chính là mục đích, là tinh thần của hoạt động thanh tra, của công tác thanh đã được ghi rõ trong Luật Thanh tra sửa đổi năm 2010.

         Theo tinh thần di huấn của Hồ Chí Minh, người làm công tác thanh tra không chỉ có việc phát hiện cái sai phạm, hư hỏng để chấn chỉnh, cái lệch lạc để uốn nắn mà còn một mặt thứ hai không kém phần quan trọng, đó là cần phát hiện cái đúng, cái hợp lý trong đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ, cái tốt, cái được của các địa phương, đơn vị, cá nhân để phát huy. Cái đúng- sai, tích cực- tiêu cực, hay- dở không thể tuỳ tiện phân định, phán xét theo cảm nghĩ của cá nhân hoặc vì những hiểu biết hạn hẹp để đi đến nhầm lẫn, thậm chí đảo ngược. Tất cả đều phải được thẩm tra, xét đoán trên cơ sở khách quan khoa học, lấy đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước làm chuẩn mực.

        Để cơ quan thanh tra và hoạt động thanh tra hoàn thành tốt “sứ mệnh” giúp các cơ quan, đơn vị, cá nhân bị thanh tra thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Luật Thanh tra sửa đổi lần này cũng đã nâng cao địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra, xác định tính độc lập tương đối của các cơ quan thanh tra trong mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Như Báo cáo số 389/BC-UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi đã khẳng định, “Đây là yếu tố quan trọng bảo đảm cho cơ quan thanh tra được chủ động và tự chịu trách nhiệm về các hoạt động, quyết định của mình, góp phần khắc phục được tính hình thức trong hoạt động của các cơ quan thanh tra hiện nay”.

        Cụ thể, Luật đã xác định rõ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra có quyền chủ động tiến hành thanh tra theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt; trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền quyết định thanh tra và chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không phải chỉ tiến hành thanh tra theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; quy định Thủ trưởng cơ quan Thanh tra có quyền yêu cầu Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp tiến hành thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nếu các chủ thể này không đồng ý thanh tra thì Thủ trưởng cơ quan Thanh tra có quyền quyết định việc tiến hành thanh tra đối với vụ việc đó; quy định Thủ trưởng cơ quan Thanh tra có quyền thanh tra lại đối với các vụ việc thanh tra đã được Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp kết luận khi được thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp giao hoặc tự mình quyết định việc thanh tra lại đối với vụ việc thanh tra đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp kết luận khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; khẳng định giá trị và cơ chế thực hiện kết luận thanh tra; xác định và phân định rõ thẩm quyền xử lý sai phạm, trách nhiệm trong xử lý sai phạm của cơ quan thanh tra, của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình tiến hành thanh tra cũng như sau khi có kết luận thanh tra.

        Tinh thần chung là “giúp” các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật, song Luật Thanh tra sửa đổi lần này vẫn khẳng định rõ: Nếu trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra mà không hoàn thành nhiệm vụ thanh tra hoặc cố ý không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý mà không xử lý, không kiến nghị việc xử lý hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 42).

Nguồn: thanhtravietnam.vn