User Online: 12,407
Total visited in day: 1,080
Total visited in Week: 14,298
Total visited in month: 31,791
Total visited in year: 125,693
Total visited: 1,249,007

Phát huy vai trò, năng lực của Trưởng đoàn trong hoạt động thanh tra

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

         Thanh tra là chức năng thiết yếu trong công tác quản lý nhà nước, để làm tốt chức năng đó thì nhân lực làm công tác thanh tra giữ một vai trò quan trọng. Một cuộc thanh tra được tiến hành khi đã xác định rõ nội dung, đối tượng, phạm vi thanh tra, đồng thời lựa chọn nhân lực đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực tham gia Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ đó. Căn cứ tình hình thực tế việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị và các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 10 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ, Người ra quyết định thanh tra lựa chọn cán bộ phù hợp làm Trưởng đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thanh tra, tổ chức điều hành một cuộc thanh tra theo đúng mục đích, yêu cầu, nội dung của cuộc thanh tra sao cho hiệu quả. Với vai trò, trách nhiệm như vậy đòi hỏi Trưởng đoàn thanh tra phải có năng lực, kinh nghiệm, tầm nhìn bao quát, nắm bắt nội dung trọng tâm để chỉ đạo, điều hành các thành viên trong Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ được phân công đạt hiệu quả, chất lượng.

Ảnh minh hoạ


        Từ thực tế cho thấy không phải cuộc thanh tra nào cũng được diễn ra thuận lợi và đạt kết quả tốt từ khi triển khai thực hiện đến khi Kết luận thanh tra được ban hành. Tuỳ theo nội dung, tính chất đặc thù từng cuộc thanh tra mà trong quá trình thanh tra có thể phát sinh những khó khăn, vướng mắc, phức tạp chưa dự báo trước được. Có thể kể đến những khó khăn trong việc thu thập, thẩm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ phục vụ thanh tra; đối tượng thanh tra thiếu hợp tác…  hoặc những vấn đề nảy sinh trong nội bộ Đoàn thanh tra, như: thành viên Đoàn thanh tra không đồng ý với phân công nhiệm vụ của Trưởng đoàn, sự phối hợp giữa các thành viên trong Đoàn thanh tra không hiệu quả, quan điểm khác nhau giữa Trưởng đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra trong việc đề xuất biện pháp xử lý sai phạm… Khi gặp các tình huống như vậy, đòi hỏi Trưởng đoàn thanh tra phải am hiểu sâu về chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng vượt qua cám dỗ, thử thách; ứng xử, giao tiếp một cách khéo léo, không được cứng nhắc mà phải tuỳ cơ ứng biến để xử lý tình huống một cách linh hoạt, có các giải pháp điều chỉnh chính xác, kịp thời. Bên cạnh đó, Trưởng đoàn thanh tra cần phát huy khả năng quy tụ, tập hợp đoàn kết giữa các thành viên trong Đoàn, chủ trì thực hiện việc trao đổi, thảo luận dân chủ trong nội bộ Đoàn. Đối với những khó khăn, vướng mắc, phức tạp vượt quá thẩm quyền và khả năng của Trưởng đoàn thì cần kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Người ra quyết định thanh tra.
        Chất lượng, hiệu quả của một cuộc thanh tra có tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào năng lực chỉ đạo, điều hành của Trưởng đoàn thanh tra. Do đó, mỗi cán bộ, công chức khi được giao trọng trách làm Trưởng đoàn thanh tra cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chât đạo đức, chính trị, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và trao dồi thêm một số kỹ năng cần thiết khác để trong mọi tình huống, hoàn cảnh khó khăn vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

 Thân Văn Hoàn - Thanh tra tỉnh