Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 11,722
Tổng số trong ngày: 591
Tổng số trong tuần: 9,263
Tổng số trong tháng: 27,293
Tổng số trong năm: 89,431
Tổng số truy cập: 1,212,745

Thu thập thông tin, tài liệu trong hoạt động thanh tra, nội dung cần được quan tâm

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

     Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Để một cuộc thanh tra được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm và đạt chất lượng, hiệu quả cao thì việc thu thập thông tin, tài liệu đóng vai trò, ý nghĩa quan trọng. Theo quy định tại Điều 49 Luật Thanh tra năm 2022, việc thu thập thông tin, tài liệu là một công việc bắt buộc trong quy trình thực hiện một cuộc thanh tra, việc này được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị thanh tra và quá trình tiến hành thanh tra trực tiếp.

Khảo sát thực địa trong hoạt động thanh tra

       Trong giai đoạn chuẩn bị thanh tra, trước khi ban hành Quyết định thanh tra, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra chỉ đạo thu thập thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc ban hành Quyết định thanh tra. Đối với việc thu thập thông tin trong giai đoạn này được thực hiện thông qua việc ban hành văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra cung cấp các thông tin, tài liệu theo đề cương yêu cầu, trong trường hợp cần thiết làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến là đối tượng thanh tra để thu thập thêm thông tin, tài liệu. Trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được Người được giao thu thập thông tin cần nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, đánh giá các thông tin để làm rõ được một số nội dung chính như: Khái quát tình hình hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến được thanh tra; tình hình chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra… để từ đó đề xuất cụ thể về nội dung, đối tượng, thời kỳ, thời hạn cần tiến hành thanh tra với Người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra.
         Trong quá trình thanh tra trực tiếp, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn Thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp bổ sung các thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến nội dung thanh tra. Để từ đó làm căn cứ phân tích, kiểm tra, xác minh, đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác, khách quan việc chấp hành chính sách, pháp luật của đối tượng thanh tra và kiến nghị xử lý cho phù hợp với quy định của pháp luật.
        Từ thực tế cho thấy, những cuộc thanh tra mà công tác thu thập thông tin, tài liệu được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, khoa học, kỹ lưỡng, hiệu quả thì nội dung thanh tra sẽ đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, rút ngắn thời gian trong khi tiến hành thanh tra, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng trong hoạt động thanh tra. Với vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng như vậy, thiết nghĩ các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra cần quan tâm, chú trọng hơn nữa công tác thu thập thông tin, tài liệu trong hoạt động thanh tra./.

                                                   Thân Văn Hoàn - Thanh tra tỉnh Bắc Giang

 

Videos Videos