Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,539
Tổng số trong ngày: 1,814
Tổng số trong tuần: 8,035
Tổng số trong tháng: 26,065
Tổng số trong năm: 88,203
Tổng số truy cập: 1,211,517

UBND tỉnh tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Luật Tiếp công dân năm 2013

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng ngày 19/8/2014, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Thanh Sơn, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh tới dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo và cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc các sở, ngành, cơ quan thuộc Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, huyện ủy, thành ủy, HĐND, UBND các huyện, thành phố và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra Vũ Văn Chiến giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Tiếp công dân năm 2013 và Nghị định 64/2014/NĐ-CP.


Luật Tiếp công dân gồm 9 chương 36 điều quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân. Ngoài ra, Luật cũng quy định việc tiếp đại diện của cơ quan, tổ chức đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, tiếp người nước ngoài đến tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện như đối với tiếp công dân.
Nghị định 64/2014/NĐ-CP quy định chi tiết về việc tiếp công dân tại cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị, sự nghiệp công lập; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Ban Tiếp công dân, việc bố trí cơ sở vật chất của Trụ sở Tiếp công dân; quy chế phối hợp hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân; việc bố trí cơ sở vật chất của địa điểm tiếp công dân; các điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân. Một điểm mới, quan trọng trong nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban Tiếp công dân mà Nghị định 64 quy định, đó là, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đối với những đơn, vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Ban Tiếp công dân Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện chuyển đến; đồng thời, chủ trì, phối hợp với đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đối với đơn, vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị mà Ban Tiếp  công dân Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện chuyển đến khi được Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh phát biểu chỉ đạo
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh đánh giá cao sự khẩn trương, tích cực của UBND tỉnh trong việc sớm triển khai Luật Tiếp công dân. Đồng thời khẳng định, Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ra đời thể hiện công tác tiếp công dân đã bước vào một trang mới, có hệ thống và bài bản, có tính khoa học và thực tiễn.
Phó Tổng Thanh tra nhận định, tiếp công dân là một nhiệm vụ quan trọng, là cầu nối và cũng là công đoạn đầu tiên của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Những năm qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, các cấp, các ngành, địa phương đã hết sức nỗ lực, tổ chức tiếp công dân các cấp đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, theo Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh, công tác tiếp công dân ở nhiều nơi, nhiều lúc còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế thể hiện ở việc tùy tiện, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao. Để nâng cao hiệu quả công tác này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị tỉnh Bắc Giang cần tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị 35/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân; thành lập, kiện toàn Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện; bố trí nhân lực có trình độ, trách nhiệm làm công tác tiếp công dân, đảm bảo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất tại trụ sỏe, nơi tiếp công dân cũng như chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác tiếp công dân.
Đối với tỉnh Bắc Giang, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ lưu ý, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường (trong 6 tháng đầu năm đã có 27 đoàn công dân của tỉnh Bắc Giang lên khiếu kiện tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước); đề nghị UBND tỉnh chú trọng đến tình hình quản lý sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý rừng, khoáng sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Thanh Sơn phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Thanh Sơn thay mặt cho UBND tỉnh tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Để Luật Tiếp Công dân và các văn bản hướng dẫn nhanh chóng triển khai trên thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, các địa phương trong tỉnh cần quán triệt rõ nội dung, trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định của Luật và Nghị định đã được phổ biến tại hội nghị.

Thế Nam

 

Videos Videos